Goods import and export activities in the time of Covid-19
Thực trạng xuất khẩu của Việt Nam
Nghiên cứu thực trạng xuất khẩu của Việt Nam, làm rõ các cơ hội và thách thức của hoạt động này trước bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bài viết đưa ra các hàm ý chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động xuất khẩu, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Hoạt động ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và ảnh hưởng tích cực đến chỉ số tăng trưởng kinh tế. Nhiều nghiên cứu đã làm rõ mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, khi hoạt động xuất khẩu của các quốc gia tăng lên thì đồng nghĩa với các chỉ số liên quan đến tăng trưởng kinh tế cũng có sự cải thiện đáng kể như Thornton (1996), Feder (1982)… Mô hình của Grossman và Helpman (1991) cho thấy, các quốc gia cởi mở hơn với thương mại thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng nhanh hơn.
Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe và còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế ở các quốc gia trên toàn thế giới. Các chính sách đóng cửa biên giới quốc gia cũng như hạn chế lưu thông hàng hóa, dịch vụ đã làm cho hoạt động thương mại giảm sút nghiêm trọng.
Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD, 2020a), thương mại thế giới giảm 3% trong quý đầu tiên năm 2020 cũng là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể gây tổn thất lớn nhất cho kinh tế toàn cầu với sụt giảm thương mại có thể giao động từ 13 - 23%, cao nhất sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930 (WTO, 2020a).
Mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát đại dịch Covid-19 đối với xuất khẩu thu hút nhiều sự quan tâm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bài báo phân tích thực trạng xuất khẩu của Việt Nam giữa bối cảnh diễn biến vẫn còn khá phức tạp của đại dịch Covid-19, làm rõ các cơ hội và thách thức của nền kinh tế, trên cơ sở đó gợi ý các hàm ý chính sách để Việt Nam có thể duy trì, giữ vững và ngày càng nâng cao vị thế hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thực trạng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
Giai đoạn 1990 - 2020 chứng kiến nhiều sự thay đổi đối với hoạt động thương mại của Việt Nam. Đáng chú ý là các giai đoạn trước và sau năm 2007, là thời điểm khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo kết quả phân tích (Hình 1), hoạt động thương mại của Việt Nam trước năm 2007 không đạt được những thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, từ sau khi gia nhập WTO và tiến đến ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA)… hoạt động thương mại ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhìn chung đều có xu hướng tăng, kể cả trong những năm 2019, 2020 khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam đạt 545,36 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 282,66 tỷ USD, chiếm 51,8% cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam. Kết quả này được xem là khá khả quan đối với kinh tế Việt Nam trong tình hình kinh tế thế giới gặp khá nhiều bất ổn và hoạt động thương mại của các nước trong khu vực đều gặp khá nhiều rủi ro từ đại dịch. Đáng chú ý là cán cân thương mại Việt Nam vào năm 2020 đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay với 19,2 tỷ USD.
Xét riêng về xuất khẩu, trước năm 2007, chênh lệch kim ngạch xuất khẩu ở Việt Nam không đáng kể. Từ năm 2007 trở đi, chênh lệch kim ngạch xuất khẩu giữa năm sau so với năm trước khá rõ rệt. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hoạt động thương mại của Việt Nam cũng sụt giảm nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu của năm 2009 giảm 9% so với năm 2008 với mức giảm là 12,8 tỷ USD. Giai đoạn 2010 - 2011 chứng kiến sự phục hồi của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2016 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam mặc dù vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm và có xu hướng giảm dần với mức tăng 34,2% xuống còn 8,6%.
Sau khi đạt mức kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu vào năm 2017 thì chỉ số này bắt đầu có xu hưởng giảm mạnh về mức độ tăng trưởng so với năm trước. Một phần là do xung đột gay gắt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến tình hình kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng khá tiêu cực. Mặt khác, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 từ tháng 03/2020 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Pháp… đã sụt giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu. Các đơn hàng lớn cũng được thông báo hoãn khi biên giới các quốc gia được thông báo đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam chịu tác động kép khi vừa cải thiện được khâu nguyên liệu đầu vào thì lại vướng mắc ngay tại thị trường đầu ra. Do vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 tụt giảm hơn 31% so với năm 2019.
Cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
Tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị toàn cầu khá nặng nề. Đặc biệt, các mắt xích trung tâm chuỗi là các quốc gia lớn có nền kinh tế mang tầm ảnh hưởng thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… lại bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi sự lan tràn của đại dịch. Đây cũng chính là những đối tác thương mại lớn, những thị trường xuất khẩu khá tiềm năng của Việt Nam. Chính vì vậy, khi các đối tác này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì gần như các hoạt động đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam bị suy giảm đáng kể.
Nguồn cung bị gián đoạn làm cho nguyên vật liệu và lực lượng lao động trở nên khan hiếm (như các ngành thiết bị điện tử, linh kiện ô tô)... Điều này tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong khi đó, xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI. Một khi lượng sản phẩm của các DN này được tạo ra khá hạn chế do nguồn cung thì nguồn hàng xuất khẩu cũng giảm sút đáng kể, điều này gián tiếp tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Các DN trong nước cũng gặp khá nhiều khó khăn khi phải duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện chi phí sản xuất gia tăng nhanh chóng. Các yêu cầu cách ly, giãn cách xã hội làm cho các DN khó khăn trong tiếp cận khách hàng khiến lượng sản phẩm sản xuất ra không có nguồn tiêu thụ. Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu tạo sản phẩm cạnh tranh đáp ứng nhu cầu cho hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế là một thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đối phó với dịch chưa kịp thời làm dịch bệnh lan nhanh, gây nên tình trạng ứ động hàng hóa thời gian dài. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặt biệt là thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các DN tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hướng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
Mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên nhìn nhận một cách lạc quan, đại dịch Covid-19 cũng tạo nên các cơ hội tốt nếu biết nắm bắt và tận dụng để có thể vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch. Điểm nổi bật nhất là khả năng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số ở Việt Nam khi đại dịch đến. Các DN bắt đầu chú trọng đến hình thức marketing trực tuyến, khai thác triệt để thông tin trên internet để tìm hiểu về thị trường, đối tác và xây dựng các kênh thương mại trực tuyến hiệu quả; Các quốc gia bắt đầu nghiên cứu về các chính sách bảo vệ thương mại. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc Cách mạng lần thứ 4 vào hoạt động thương mại.
Hàm ý chính sách
Kết quả phân tích cho thấy, mặc dù hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng và trạng thái xuất siêu trong bối diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuy nhiên mức độ tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu giảm sút và không bền vững. Bên cạnh đó, diễn biến dịch bệnh còn khá phức tạp và khó lường. Chính vì vậy, việc đưa ra các hàm ý chính sách nhằm cải thiện các hoạt động xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định xã hội và nâng cao phúc lợi cho người dân là cần thiết. Cụ thể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời kỳ dịch bệnh; tận dụng triệt để các lợi thế về các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu đến các đối tác thuận lợi và dễ dàng hơn; thực hiện các cải cách hành chính để giảm thiểu độ cồng kềnh của các thủ tục hải quan; đẩy mạnh xây dựng các kế hoạch phát triển và lưu thông thương mại biên giới trên cơ sở hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cấp các cơ sở hạ tầng ở các cửa khẩu biên giới, tạo cơ hội cho các DN tìm hiểu thị trường, tiếp cận các đối tác. Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các đối tác mới thay cho các đối tác truyền thống trước đây đang bị ảnh hưởng mạnh của đại dịch.
Hai là, xây dựng các chính sách hỗ trợ các DN trong nước đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, năng cao năng suất để tạo ra những sản phẩm có giá cạnh tranh, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; Duy trì và tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư của nước ngoài thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, ổn định chính trị, tập trung chống dịch hiệu quả; Chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thể mạnh và các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giầy da… sang các thị trường mới.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện và ban hành mới các chính sách tài chính, tiền tệ như hạ lãi suất, giảm thuế, nâng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay… để hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời cho DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu cũng như người dân.
Bốn là, các DN cần chủ động ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chuyển đổi số từ các khâu sản xuất, trao đổi và tiêu thụ để khai thác triệt để tiềm năng thương mại trực tuyến, phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, cần duy trì sự kết nối, truyền thông tin đến các đối tác dưới nhiều hình thức trực tuyến để nắm bắt kịp thời các thay đổi, hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra với các hợp đồng thương mại ngắn và dài hạn, đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.
Có 0 bình luận, đánh giá về Goods import and export activities in the time of Covid-19
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm